1 HÌNH THÁI, CẤU TẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA CÀ CUỐNG

1. Hình thái và cấu tạo của cà cuống

sửa nhé

Cà cuống có hình dáng lúc nhỏ giống như con gián. Nhưng lúc trưởng thành nó có thể dài tới 7 – 8cm. Cơ thể của nó có hình lá dẹp; phân biệt rõ đầu, lưng và bụng. Nó có 2 đôi cánh và 3 đôi chân. Nếu nhìn kĩ ta sẽ thấy nó có 2 lỗ thở ở mút cuối của bụng và 1 lỗ thoát của tuyến thơm nằm ở mặt bụng, giữa đốt gốc của đôi chân trước. Phần ngực của nó có 3 đốt và phần bụng có 7 đốt. Ba đốt ngực được phủ bởi một tấm cứng gọi là tấm ngực. Cấu trúc miệng của nó thuộc kiểu chích hút. Nó có cánh trước và cánh sau. Phần cánh trước có hai phần rõ rệt: phần gốc thì dày và cứng, còn phần ngọn thì mỏng. (Vì vậy, người ta còn gọi chúng là bộ cánh nửa).

Cà cuống có màu vàng nâu tới nâu đen. Màu ở phần cánh sẫm hơn ở phần bụng. Trên các đôi chân có các khoang vàng, nâu đen xen kẽ.

Mỗi chân của nó đều gồm có các đốt nối lại với nhau. Đôi chân đầu tiên luôn hướng ra phía trước. Nó có móng vuốt sắc nhọn, trông như một cặp đao của các dũng sĩ. Đôi chân này dùng để quặp và bắt mồi. Hai đôi chân phía sau cũng có móng vuốt nhưng dẹp, dài để thích ứng cho việc bơi lội. Cả ba đôi chân đều mọc ra từ phần ngực, tương ứng với ba đốt: trước, giữa và sau.

Toàn bộ cơ thể cà cuống được bao bọc bởi 1 lớp vỏ cuticun dày. Do đó, để lớn lên, cà cuống phải lột xác.

image

Cà cuống trưởng thành

image

Mặt bụng của cà cuống trưởng thành

Cấu tạo bên trong của cà cuống tương đương với các loài côn trùng khác. Nó gồm các hệ tiêu hóa, bài tiết, tuần hoàn, hô hấp, thần kinh, nội tiết, sinh dục và các giác quan. Đặc biệt, trên cơ thể nó có một tuyến thơm. Tuyến thơm thông với một lỗ thoát nằm ở đốt ngực giữa, cạnh ngay gốc của đôi chân thứ nhất.

Giống như các loài côn trùng khác, trứng của chúng nở ra không thành con trưởng thành ngay mà phải trải qua rất nhiều quá trình biến thái rồi mới trở thành con trưởng thành. Ví dụ: con ong, con bướm, con ruồi,… khi trứng nở ra là hình thành con sâu. Những con sâu đó phải trải qua rất nhiều biến thái rồi mới dần dần hình thành nên con ong, con bướm, con ruồi,… Người ta gọi đó là quá trình biến thái hoàn toàn (tức là hình dạng ở giai đoạn đầu với giai đoạn cuối khác nhau hoàn toàn).

image

Ấu trùng cà cuống

Nhưng ở cà cuống, quá trình biến thái lại không hoàn toàn. Các cơ thể cà cuống mới nở từ trứng ra (gọi là ấu trùng) trải qua các giai đoạn biến thái đều có hình dáng na ná con trưởng thành. Nó có 5 giai đoạn biến thái. Cứ hết một giai đoạn thì nó lại lột xác để lớn lên. Và sau 5 lần lột xác thì nó trở thành con cà cuống trưởng thành.

2. Phân loại và phân bố địa lí của cà cuống

a) Vị trí phân loại

Ở Việt Nam, cà cuống còn có tên là sâm quế, cà kẽm. Từ năm 1775, sau khi thu thập mẫu vật ở Ấn Độ, hai nhà khoa học là Lapetetier và Serville đã xác định tên khoa học cho cà cuống. Thế còn ở Việt Nam, ngay từ năm 1928, kĩ sư Nguyễn Công Tiễu đã ghi nhận cà cuống là một loài côn trùng ăn được.

Hiện nay, loài cà cuống của Việt Nam được xếp vào giống Cà cuống, họ Chân bơi, bộ Côn trùng cánh nửa và lớp Côn trùng.

Người ta tính rằng, hiện nay trên thế giới, giống Cà cuống có tới 24 loài. Loài cà cuống của Việt Nam (có tên khoa học là Lethocerus indicus) là loài cà cuống có kích thước lớn nhất (như đã trình bày ở phần trên, cơ thể của nó có thể dài tới 7 – 8cm. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng, nó còn có thể dài tới 11cm!).

b) Phân bố địa lí ở Việt Nam

Người ta phát hiện thấy cà cuống có ở hầu khắp các tỉnh, thành suốt ba miền Trung, Nam, Bắc của nước ta. Nó có mặt cả ở đồng bằng, trung du và miền núi. Chúng ta thường gặp cà cuống ở các đầm lầy, hồ, ao, ruộng lúa nước và các thủy vực có các loại thực vật thủy sinh phát triển.

Do tình trạng khai thác cạn kiệt và vấn đề ô nhiễm của thuốc trừ sâu quá lớn nên quần thể cà cuống càng ngày càng ít dần. Thậm chí, nhiều nơi không còn bóng dáng con cà cuống nào. Vì vậy, cà cuống đã được ghi vào trong Sách Đỏ của Việt Nam (2007).

c) Phân bố trên thế giới

Người ta phát hiện ra cà cuống có ở nhiều nước vùng Nam và Đông Nam Á như Ấn Độ, XriLanca, Nam Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Indonesia. Nó được xác định là loài đặc hữu của vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, tình trạng chung hiện nay là việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu trên đồng ruộng nên số lượng cà cuống ở các nơi đều bị giảm thiểu. Ở nhiều nước đã có các chương trình khôi phục đàn cà cuống.

d) Nơi sống

Cà cuống thích sống nhất tại các vực nước ngọt ở trạng thái tĩnh hoặc chảy chậm và những nơi đó mà có nhiều thực vật thủy sinh. Đó cũng là chỗ mà các loài động vật làm thức ăn cho cà cuống hay lui tới. Vì vậy, đây là môi trường hấp dẫn nhất để cà cuống cư trú. Ta có thể xếp theo thứ tự các vực nước mà cà cuống thích nhất từ cao đến thấp gồm: ruộng lúa nước, ao, hồ, đầm có nhiều cây thủy sinh mọc và các hồ lớn. Đôi khi, ta cũng gặp cà cuống ở trên cạn nhưng rất hiếm. Không thấy cà cuống xuất hiện ở các vực nước mặn. Nó không sống được trong điều kiện nước mặn và nước lợ. Vì vậy, vùng ven biển ta ít gặp cà cuống.

Ở Việt Nam hiện nay, tại các vùng trồng lúa thâm canh, ta rất ít gặp được cà cuống. Bà con ta dùng quá nhiều thuốc trừ sâu và lại dùng liên tục nên cà cuống bị tiêu diệt gần như hoàn toàn. Vì vậy, ở các vùng hẻo lánh, các đầm hoang không có người canh tác ta mới có thể bắt gặp cà cuống. Nó có thể coi là con vật chỉ thị để đánh giá mức độ ô nhiễm thuốc trừ sâu cho chúng ta.

3. Đặc điểm sinh học và sinh thái của cà cuống

a) Phôi và quá trình biến thái

Cà cuống đẻ ra trứng. Trứng được bám thành từng ổ quanh các thân cây thủy sinh, các cọc nhô lên trên mặt nước. Mỗi ổ trứng có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm trứng. Ngay sau khi đẻ ra, trứng đã có quá trình phát triển phôi ở bên trong. Tùy điều kiện môi trường mà trứng có thể nở sau 5 – 10 ngày. Trong quá trình đó, phôi hình thành và phát triển thành ấu trùng. Khi trứng nở, ấu trùng sẽ được sinh ra. Ấu trùng sẽ trải qua 5 giai đoạn (mà người ta gọi là tuổi: ấu trùng tuổi 1, tuổi 2, tuổi 3, tuổi 4, tuổi 5). Muốn vượt qua một tuổi, nó phải lột xác. Sau mỗi lần lột xác, ấu trùng sẽ lớn hơn. Ở tuổi 1, kích thước rộng × dài của chúng chỉ độ 0,4 × 0,9cm. Nhưng tới tuổi 5, nó đã là 2,1 × 5cm. Lúc này, hình dáng của nó giống con trưởng thành.

Thời gian phát triển từ trứng, qua các giai đoạn ấu trùng lên tới con trưởng thành hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường, đặc biệt là nguồn thức ăn. Nếu gặp điều kiện thuận lợi thì quá trình đó được rút ngắn lại.

Chúng ta biết rằng, bao quanh cơ thể cà cuống (từ giai đoạn ấu trùng lên đến con trưởng thành) là một lớp vỏ cuticun dày và cứng (mà thành phần chủ yếu là chất kitin). Giống như nhiều loại côn trùng khác, muốn lớn lên, nó phải tự trút bỏ bộ “áo giáp” cũ để thay bằng bộ “áo giáp” mới, rộng hơn. Quá trình đó gọi là lột xác. Các nhà khoa học thì gọi đó là biến thái. Mà ở cà cuống, như đã nói ở trên, là quá trình biến thái không hoàn toàn. Con ấu trùng hao hao giống với con trưởng thành.

Các giai đoạn của ấu trùng, từ tuổi 1 đến tuổi 5 đều sống dưới nước. Nó hoạt động như các loài động vật thủy sinh khác. Nó không bay được vì chỉ có mầm cánh. Mầm cánh sẽ phát triển dần dần. Tới kì lột xác cuối cùng để trở thành con trưởng thành thì cánh mới phát triển hoàn chỉnh. Lúc đó, nó có đầy đủ hai đôi cánh và cà cuống mới có thể bay được. Cơ thể của chúng lúc này có kích thước lớn hơn, trung bình đạt: chiều dài là 5cm và rộng là 2,1cm. Như trên đã trình bày, tùy thuộc vào điều kiện thức ăn mà tốc độ sinh trưởng của nó có khác nhau. Nhiều tác giả cho rằng, cà cuống có thể dài từ 7 – 8cm. Cũng có người cho rằng, nó có thể dài tới 11cm!

Tuổi thọ của cà cuống khoảng 1 năm. Chưa có tác giả nào xác định cà cuống có thể sống lâu hơn. Nó chết do già yếu, hoặc bị kẻ địch săn bắt, hoặc gặp phải các tác nhân độc hại (như thuốc bảo vệ thực vật).

b) Thức ăn của cà cuống

Cà cuống được xếp vào loại côn trùng bắt mồi hung dữ. Người ta cho nó là loài ăn thịt. Nói như vậy chưa chính xác. Nó không ăn mà chích hút. Cấu tạo phần miệng của nó là chích hút.

Khi bắt mồi, cà cuống huy động cả ba đôi chân. Hai đôi chân sau giúp cà cuống bơi nhanh tới chỗ con mồi để bắt. Đôi chân trước sẽ vồ và giữ chặt con mồi. Khi đã có con mồi rồi, nó dùng vòi nhọn đâm thẳng vào. Tuyến nước bọt của nó có chứa các enzyme sẽ làm phân giải cơ thể con mồi thành dịch. Sau đó cà cuống sẽ hút hết các dịch đó vào cơ thể của nó. Như vậy là được một bữa no nê.

Thức ăn của cà cuống rất phong phú. Thông thường nó tìm bắt cá con, nòng nọc của các loài ếch, nhái. Cũng có trường hợp, nó bắt cả ếch, nhái trưởng thành. Ngoài ra, các loài động vật thân mềm như trai, ốc chúng cũng tấn công. Người ta còn thấy có trường hợp, nó bám cả vào những động vật có xương sống nhỏ như rắn, chim nước để hút máu. Ngay cả những loài trên cạn, nếu có điều kiện thuận lợi là cà cuống xông vào ngay. Cào cào, châu chấu, dế,… dễ dàng là mồi ngon của cà cuống.

Tuy nhiên, cà cuống chỉ tìm bắt những cá thể sống. Nó không ăn các con mồi đã chết hoặc con mồi ở trạng thái bất động. Nó quan sát kĩ rồi mới tấn công. Nó thường bơi lờ đờ trên mặt nước hoặc nấp sau các cây thủy sinh để rình mồi. Tư thế rình mồi của nó cũng khác biệt: nó bám vào cây thủy sinh, đầu chúi xuống dưới nước, còn đuôi với chóp ống thở lại thò lên bên trên mặt nước. Ở tư thế đó, con mồi rất khó phát hiện ra kẻ thù. Trông nó lẫn với thân, lá của cây thủy sinh. Khi phát hiện ra con mồi, cà cuống giữ yên tư thế để quan sát. Chỉ khi con mồi tới gần nó mới lao ra để vồ. Hai chân trước quặp chặt bằng móc nhọn và nó dùng vòi chích ngay thuốc tê. Sau đó, nó bơm enzyme vào con mồi. Mọi việc diễn biến rất nhanh. Con mồi vẫn bị quặp chặt cho tới chết. Enzyme hòa tan các chất hữu cơ trong cơ thể con mồi thành dung dịch. Cà cuống sẽ hút hết dịch đó thay cho việc cắn, xé con mồi như các loài ăn thịt khác.

Ở các giai đoạn ấu trùng, cà cuống cũng bắt mồi giống như con trưởng thành, nhưng tính hung dữ thì kém hơn.

Trong các thủy vực, nếu như mật độ cà cuống dày mà nguồn thức ăn lại hạn chế thì chúng ta có thể quan sát thấy hiện tượng cà cuống ăn thịt lẫn nhau. Điều này cũng thấy ở nhiều loài khác như baba, ếch, lươn,…

c) Kẻ thù của cà cuống

Sống trong các thủy vực, cà cuống cũng luôn luôn bị đe dọa bởi các đối tượng ăn thịt khác lớn hơn nó như cá, ếch, nhái, bò sát và cả chim, thú nữa. Việc tiêu diệt lẫn nhau là quy luật của tự nhiên.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất đối với cà cuống lại là con người. Cuộc sống con người càng được nâng cao thì yêu cầu về sơn hào, hải vị lại càng lớn. Cà cuống thường bị vét sạch để phục vụ cho các nhà hàng. Giá càng lên cao thì nó lại càng bị thu bắt. Ở nhiều nơi hầu như không còn bóng dáng cà cuống.

Mặt khác, diện tích nông nghiệp của chúng ta đang có những xáo trộn. Rất nhiều vùng trồng lúa nay đã được san lấp để xây dựng nhà máy. Hầu như các vùng đầm lầy hoang hóa đều đã được tận dụng để đưa vào sản xuất. Môi trường sống của cà cuống vì thế cũng bị thu hẹp dần.

Nhưng nguy cơ lớn nhất đối với loài cà cuống lại là việc bà con ta sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu. Cà cuống rất nhạy cảm với thuốc trừ sâu. Gặp thuốc trừ sâu là nó chết! Thế mà hiện nay, việc sử dụng thuốc trừ sâu đã vượt ngưỡng và ở mức báo động. Con người còn bị đầu độc bởi thuốc trừ sâu ngỡ là cà cuống! Có lẽ, đây là nguyên nhân số 1 dẫn đến tình trạng hết sạch cà cuống trên đồng ruộng.

Vì vậy, việc gây nuôi cà cuống trong điều kiện nhân tạo là cơ hội rất lớn để phục hồi dần đàn cà cuống của chúng ta.

d) Sinh sản của cà cuống

Cà cuống là loài đơn tính, nghĩa là có con đực, con cái riêng biệt. Cơ quan sinh sản của chúng có cấu tạo tương tự như các loài côn trùng khác và quá trình thụ tinh là thụ tinh trong.

Mùa sinh sản của chúng là vào mùa hè, thường là vào các tháng 6, 7, 8 và 9 (dương lịch). Chúng thường tập trung ở những nơi có ánh đèn. Ở nông thôn, các cột đèn gần các cánh đồng thường là nơi cà cuống kéo đến đông nhất. Chúng nhào lượn để phô mẽ và dụ bạn tình cặp đôi. Sau đó, chúng dẫn nhau tới các vực nước lân cận để giao phối.

Rất khó phân biệt được con đực với con cái. Thường thì con đực bé hơn con cái. Nếu quan sát kĩ ta thấy, ở dưới ngực con đực, ngay gần phía lưng có 2 ống nhỏ gọi là bọng cà cuống. Nó gồm một bọng lớn và một bọng nhỏ. Bọng lớn nằm ở phía bụng và có màu trắng ngà. Đó là bọng chứa nước. Khi nó ép bụng thì nước phun ra. Bọng nhỏ hơn nằm ở phía ngực có màu xanh ngà. Đó là bọng chứa tinh dầu cà cuống. Bọng này phát triển ở con đực; ở con cái, nếu có, thì rất nhỏ.

Cà cuống đực thường dùng các đôi chân đạp mạnh xuống nước để vừa tạo ra tiếng động, vừa tạo một dòng chảy nhằm báo hiệu và kêu gọi con cái. Nó còn tiết ra chất thơm để khêu gợi bạn tình. Đó là một loại pheromone đặc trưng của cà cuống. Con cái dễ dàng nhận ra “tiếng gọi của tình yêu” và mon men tới chỗ con đực.

Lúc này, con đực từ từ bơi ra, lượn lờ quanh con cà cuống cái. Nó phải thăm dò xem con cái có ưng ý hay không. Nếu không có động tĩnh gì, coi như con cái “phải lòng”. Lúc này, cà cuống đực sẽ bò lại gần và leo lên lưng con cái. Nó dùng cả ba đôi chân để giữ chặt con cái và dìm nó xuống dưới nước. Nó ấn phần phụ sinh dục của nó nằm ở đốt bụng thứ sáu vào cơ quan sinh dục của con cái cũng ở đốt bụng thứ sáu. Quá trình thụ tinh sẽ diễn ra. Tuy nhiên, con đực không chỉ giao phối 1 lần. Người ta thấy nó giao phối liên tiếp nhiều lần với con cái. Mọi việc đều diễn ra dưới nước.

Xong xuôi, con đực dẫn con cái bò lên đoạn cây nhô lên mặt nước mà nó đã chọn và đánh dấu từ trước. Con cái tiết nước bọt và đẻ trứng lên đó. Nó gắn trứng thành từng mảng bám chặt vào thân cây, trông giống như những mảng trứng của ốc bươu vàng. Tuy nhiên, trứng của ốc bươu vàng màu hồng, còn trứng của cà cuống có màu trắng ngà. Toàn bộ quá trình giao phối và đẻ trứng này kéo dài hàng tiếng đồng hồ.

Sau khi đã đẻ hết trứng, cà cuống cái coi như đã hoàn thành nhiệm vụ, nó lao xuống nước và lặn đi mất tăm. Mọi việc còn lại đều do con đực đảm nhiệm. Con đực sẽ thường xuyên dùng cánh để quạt cho trứng và ngoi lên, ngoi xuống để lấy nước thấm ướt cho trứng. Khi có động, nó còn lấy thân bao lên ổ trứng để bảo vệ, cặp càng phía trước thường giương ra để đe dọa kẻ thù.

image

Cà cuống đực ôm trứng

Mỗi ổ trứng dài độ 2 – 3cm. Chúng nối các trứng thành hàng dọc, đều đặn. Mỗi hàng có tới 10 – 12 trứng. Các hàng lại xít lại với nhau thành cả mảng, bám chặt vào cái cọc hoặc thân cây thủy sinh, cách mặt nước 10 – 20cm.

image

Trứng cà cuống

Tùy điều kiện mà trứng có thể nở sau 5 – 10 ngày. Nó có hai đầu to nhỏ khác nhau. Đầu nhỏ của trứng hướng vào phía trong và dính chặt vào giá thể. Đầu to của trứng hướng ra phía ngoài. Nó là nắp đậy của trứng. Khi nở, ấu trùng sẽ chui ra qua nắp đó để rời khỏi vỏ và rơi xuống nước. Ấu trùng bắt đầu ngay cuộc sống tự lập. Cả 5 giai đoạn của ấu trùng, nó đều sống dưới nước. Tùy thuộc vào môi trường và nguồn thức ăn mà nó lớn nhanh hay lớn chậm.

Cũng tùy thuộc vào môi trường và nguồn thức ăn mà quá trình từ trứng, qua các giai đoạn ấu trùng để trở thành con trưởng thành phải mất 60 – 70 ngày.

e) Tập tính của cà cuống và vai trò của tuyến thơm

Cũng giống như các loài động vật trong tự nhiên, cà cuống cũng phải có các tập tính hoạt động để thích nghi với môi trường sống.

Tập tính của cà cuống rất điển hình, nó có thể đại diện cho các loài côn trùng. Tập tính có thể do bản năng mà có hoặc do học được trong quá trình sống. Để thực hiện được các tập tính, cà cuống cũng có đủ các cơ quan để tiến hành sự giao tiếp giữa chúng với môi trường và với các loài vật khác. Cơ quan giao tiếp của chúng cũng như của các loài côn trùng gồm thị giác, thính giác, xúc giác và các hóa chất đặc thù do chúng tiết ra. Sự giao tiếp bằng mùi vị rất phổ biến ở các loài côn trùng. Các chất mang mùi đặc trưng cho từng loài đó được gọi là pheromone. Ở cà cuống, pheromone của nó là một loại tinh dầu có mùi thơm đặc sắc. Dân châu Á lại rất thích mùi đó. Họ thường pha nó vào với nước chấm hoặc nước mắm để tạo nên một hương vị hấp dẫn. Người ta cho biết, ở giai đoạn ấu trùng, cà cuống chưa có tuyến đó. Tới lúc trưởng thành, ở cả con đực và con cái đều có nhưng ở con đực tuyến thơm đó lớn hơn nhiều. Tuyến thơm giúp con vật đánh dấu để phân biệt vùng lãnh thổ riêng của từng cá thể. Mặt khác, tuyến thơm còn để báo hiệu và kêu gọi “bạn tình” khi mùa sinh sản tới. Nó còn để đánh dấu vị trí mà nó đã chọn để con cái bò lên đó đẻ trứng,…

Cùng với việc tiết tuyến thơm, cà cuống đực còn nhiều tập tính khác như: đạp nước để gọi con cái; thay con cái để chăm sóc và bảo vệ trứng; biết quạt và dấp nước cho trứng để nó không bị ung hỏng; biết lấy thân mình ôm lấy cả ổ trứng để tránh kẻ thù phá hoại. Trong lúc kiên trì trông coi ổ trứng của con cái trước, nó lại tiếp tục giao phối với nhiều con cái khác.

Ở con cái lại có tập tính “ghen tuông”. Sau khi được con đực giao phối, nó lại leo lên tìm ổ trứng của con trước và dùng chân phá đi. Thậm chí, nó dùng vòi để hút hết chất bổ trong các quả trứng mà con cái trước đã đẻ. Sau đó, đạp hết số vỏ trứng đó xuống nước.

Tập tính của con đực cũng lạ kì: vừa kiên quyết bảo vệ ổ trứng của con cái trước, vừa ve vãn và giao phối với các con cái sau. Nó hay bị con cái lừa để rời khỏi ổ trứng. Lúc đó, con cái mới xông ngay lên phá thật nhanh ổ trứng của con cái trước. Đôi khi, không phá được thì nó lại đẻ tiếp trứng vào ngay ổ của con cái trước. Vì vậy, có những ổ trứng nở thành nhiều đợt do trứng của nhiều con cái đẻ vào các thời điểm khác nhau.

Một tập tính “xấu” của cà cuống (mà nhiều loài động vật khác cũng có) là khi thiếu thức ăn, nó có thể xơi luôn cả con cà cuống nhỏ. Điều này ta phải hết sức lưu ý khi tổ chức nuôi chúng.

Cà cuống có khả năng ngụy trang tốt. Màu sắc của nó dễ dàng lẫn trong các đám lá, đám thân của các loại thực vật thủy sinh. Đôi khi nó sờ sờ trước mắt mà ta không nhận ra. Tập tính rình mồi của nó rất hiệu nghiệm. Nó thường giữ tư thế bất động khi phát hiện ra con mối. Nó chỉ nhao ra vồ khi con mồi tới gần. Do đó, việc bắt mồi của nó rất hiệu quả.

Khi con đực gặp con cái trong mùa sinh sản, nó cũng rất thận trọng. Nó phải lượn lờ chán và quan sát kĩ càng để theo dõi con cái. Khi nào “chắc ăn” thì nó mới khởi sự. Nó có tập tính “lo xa”. Nó phải tìm bằng được chỗ thuận lợi cho con cái đẻ trứng rồi mới nghĩ tới việc giao phối. Ngay cả khi nó ra vùng sáng gần chân cột đèn để tìm gặp các con cái thì nó đã nắm được quanh đó có những vực nước nào thuận lợi để dẫn dụ con cái tới đó. Mọi việc cứ như là đã được tính toán kĩ nhưng thực tế đó chỉ là bản năng. Quá trình giao phối tinh tế cũng là bản năng!.

Các tập tính của cà cuống đã giúp nó thích nghi với môi trường sống và bảo tồn được nòi giống. Chúng ta nên tôn trọng các tập tính đó khi tiến hành nhân nuôi cà cuống.

g) Giá trị của cà cuống

Giá trị ẩm thực:

Cà cuống được coi là một loài động vật được dùng làm thức ăn cho con người từ ngàn xưa. Cả thịt và trứng của cà cuống đều được chế biến làm thức ăn. Nhiều cụ già đã tâm sự với chúng tôi về cái thời mà các cụ còn đi chăn trâu trên đồng – lũ trẻ thời đó thường chia nhau đi tìm trứng cà cuống và cùng nhau nướng lên để ăn. Các cụ bảo: “Chả có loại thực phẩm nào mà thơm, bùi và béo ngậy như trứng cà cuống! Trong đời, mỗi người phải ít nhất được ăn trứng cà cuống 1 lần!”.

Nhưng cái quý nhất ở cà cuống lại là tuyến thơm của nó. Đó là một loại gia vị đặc trưng. Trong Sách Đỏ Việt Nam người ta cho biết, từ thời Triệu Đà (thế kỉ III – II trước Công nguyên, tức là cách đây hơn 2000 năm) dân ta đã coi cà cuống là “sơn hào, hải vị”. Nó thường được chọn để đưa đi cống nạp sang Trung Quốc với cái tên là “con sâm quế”. Hiện nay ở Việt Nam và các nước vùng Đông Nam Á vẫn luôn coi cà cuống là loại thực phẩm cao cấp và rất được ưa chuộng. Khi ăn bánh cuốn, bún thang, nem, chả,… mà có thêm một giọt tinh dầu cà cuống vào bát nước chấm thì mới phát huy được hết giá trị của các loại ẩm thực này. Giá có khi lên tới 50.000 đồng/1 giọt! Vì vậy, nhiều phòng thí nghiệm hóa học đã tìm cách để tổng hợp nên tinh dầu cà cuống. Nhưng, những hợp chất tổng hợp đó làm sao thơm, ngon được như cà cuống trong tự nhiên. Do đó, việc gây nuôi cà cuống tự nhiên mới là hướng đi đúng đắn.

Giá trị dược liệu:

Ngay từ năm 1952, hai nhà khoa học Adolf Butenandt và Nguyễn Đăng Tâm đã để công nghiên cứu về tính chất hóa học của tinh dầu cà cuống. Họ cho biết: tinh dầu cà cuống tan trong mỡ; độ sôi ở 168oC – 170oC; chỉ số khúc xạ của nó là n.(25/D).1,4160; nó không bị biến tính khi chưng cất; quang phổ hồng ngoại thể hiện ở 5,80m; có một dải đặc hiệu của este axit cacbonic và đã xác định được chất thơm của tinh dầu cà cuống là một hexanol axetat có công thức là C6H11OCOCH3.

Công dụng của tinh dầu:

Lâu nay, ta chỉ dùng tinh dầu của cà cuống để phục vụ cho các bữa ăn mà ít ai chú ý tới công dụng của nó. Mặt khác, do khi sử dụng ta chỉ dùng với liều rất ít nên không ai để ý tới tác hại của nó khi dùng nhiều.

Các nhà khoa học cho chúng ta biết: khi sử dụng tinh dầu cà cuống với lượng nhỏ (như chúng ta vẫn dùng) nó có tác dụng kích thích thần kinh và gây hưng phấn cho cơ quan sinh dục. Vì vậy, vua chúa Trung Quốc ngày xưa rất ưa thích và khuyến khích vua chúa của chúng ta nên cống nạp.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo, nếu dùng tinh dầu cà cuống với liều cao thì cũng rất dễ gây ra ngộ độc. Vì vậy, dù ưa chuộng đến mức nào, nhưng khi cho tinh dầu cà cuống vào bát nước chấm chúng ta chỉ nên nhỏ 1 giọt/bát mà thôi.

Dịch


by Phần mềm dịch thuật - plugin dịch cho wordpress

Giấy phép

NGHỀ NUÔI CÀ CUỐNG Bản quyền © 2021 bởi Hevobooks. Đã đăng ký Bản quyền.

Chia sẻ cuốn sách này