2 KỸ THUẬT NUÔI CÀ CUỐNG

1. Môi trường nuôi cà cuống

Cà cuống là loài côn trùng sống ở các nguồn nước ngọt. Ta thường gặp chúng ở các ao, hồ hay ruộng ngập nước. Có lẽ, chúng là loài côn trùng có cơ thể lớn nhất so với các loài côn trùng khác. Cơ thể nó có thể dài tới 7 – 8cm. Nó bơi, lội, ngụp lặn rất giỏi nhưng lại thường leo lên các cành cây, thân cây mọc nhô lên khỏi mặt nước để nghỉ ngơi. Cách đẻ trứng của nó giống như ốc bươu vàng. Nó không đẻ trứng dưới nước mà bò lên, đẻ và ốp trứng vào những thân, cành mọc nhô lên đó. Nó thường xuyên dấp nước và làm ẩm cho trứng. Vì vậy, nơi nuôi cà cuống phải là các vực nước. Cà cuống sống trong môi trường nước. Do đó, để nuôi cà cuống, ta cần xây bể cho chúng sinh sống. Bể là đơn vị nuôi đối với cà cuống. Có 2 loại bể: bể nuôi và bể đẻ.

a) Bể nuôi

Tùy điều kiện của từng gia đình mà ta xây một hoặc nhiều bể để nuôi cà cuống. Mỗi bể nuôi nên có kích cỡ: rộng 2 – 3m, dài: 5 – 6m và sâu 70 – 80cm. Không nên để diện tích bể quá rộng vì sẽ ảnh hưởng tới việc chăm sóc và thu hoạch cà cuống.

Ta nên xây bể nổi để tiện cho việc thay, tháo nước. Đáy bể nên ngang với mặt đất. Đáy nên nghiêng về phía có lỗ thoát 1 – 2o để dễ tháo nước. Lỗ thoát nên là một ống nước có đường kính Ø = 4 – 5cm. Phải có lưới chắn ở đầu lỗ thoát để ngăn cà cuống không lọt ra ngoài khi ta tháo nước. Phải có nút đậy chắc chắn ở đầu lỗ thoát. Khi cần thay, tháo nước, ta chỉ việc mở nút đậy là nước bể sẽ chảy ra hết.

Phía trên cùng của thành bể ta ốp một lớp gạch men vòng kín xung quanh bể. Lớp gạch men này sẽ ngăn các loài dùng làm thức ăn cho cà cuống không bò ra được (vì trơn, trượt).

Ta có thể xây một bể hoặc nhiều bể liền nhau. Tốt nhất là xây 2 dãy bể liền sát nhau để tiết kiệm được một lớp tường ngăn giữ mà vẫn đảm bảo được việc chăm sóc và thu hoạch cà cuống.

Trên mặt bể phải có nắp đậy bằng lưới ngăn. Mắt lưới phải nhỏ để cà cuống không chui ra được. Tốt nhất nên dùng loại lưới thép có mắt 2mm. Lưới đó được căng bởi một khung thép hoặc nhôm với các thanh chắn vững chắc. Tuy nhiên, không nên dùng những thanh thép quá lớn. Nó sẽ quá nặng khi ta nhấc mở nắp đậy lên. Có thể dùng các loại thanh thép có đường kính Ø = 1cm. Ta hàn các thanh thép thành khung và buộc chặt lưới ngăn vào khung đó. Yêu cầu của nắp đậy là phải thật chặt, thật khít, không để có kẽ hở cho cà cuống chui ra. Mặt khác, nó vẫn tạo độ thông thoáng cho bể nuôi. Nắp đậy đó ta có thể mở ra một cách dễ dàng.

image

Bể nuôi cà cuống

Toàn bộ khu nuôi phải luôn luôn đủ độ thoáng mát và đủ độ sáng để các loại thực vật thủy sinh ở trong bể có thể phát triển bình thường.

Bể nên có mái che. Mái che phải cao hơn mặt bể 3 – 4m để vẫn đảm bảo đủ ánh sáng. Mái che sẽ hạn chế việc nước ở trong bể bị đốt nóng nếu như để nắng chiếu trực tiếp xuống bể. Nếu không có điều kiện làm mái che thì chúng ta có thể giăng lưới cản nắng (như ở các vườn ươm cây giống). Tuy nhiên, lưới sẽ không cản được mưa. Khi có mưa, nước trong bể sẽ dâng lên. Vì vậy, bể phải có lỗ thoát nước. Lỗ thoát phải nằm dưới lớp gạch men ốp phía trên của bể và cũng phải có lưới chắn để không cho cà cuống lọt ra ngoài. Khi mưa lớn, nước sẽ dâng lên tới lỗ thoát và chảy ra ngoài, không gây ra hiện tượng tràn nước qua thành bể.

image

Bể nuôi cà cuống thương phẩm

Mức nước trong bể chỉ cần từ 30 – 40cm. Nguồn nước cho vào bể phải sạch và thích hợp với cà cuống. Tốt nhất, ta nên bơm nước từ hồ, ao vào. Nước ở các hồ, ao đó phải không bị ô nhiễm. Cá, tôm ở đấy vẫn sống bình thường.

Nếu phải lấy nước từ giếng thì nên bơm nước qua một bể chứa. Trong bể chứa ta thả thực vật thủy sinh và một ít cá. Nếu nước đó không gây ảnh hưởng gì tới các loài đó thì ta mới bơm nước đó vào bể nuôi cà cuống.

Không nên dùng nước máy vì nước máy thường được khử bằng clo. Chất này gây ngộ độc cho cà cuống. Nếu không còn nguồn nước nào khác mà buộc phải dùng nước máy thì phải để qua bể chứa một thời gian cho khí độc bay đi hết. Ta quan sát thấy rong, tảo nuôi trong đó không có hiện tượng xấu gì thì mới bơm vào cho bể nuôi cà cuống.

Nói chung, phải hết sức chú ý tới chất lượng của nguồn nước nuôi cà cuống. Cà cuống rất nhạy cảm với các chất độc hại. Do đó, ta cần phải giữ cho nguồn nước ở bể nuôi phải luôn luôn đảm bảo là nước sạch.

Trong bể, ta thả bèo tây (bèo Nhật Bản). Bèo tây dễ sống và dễ phát triển. Rễ bèo tây lại có khả năng hút các chất độc và một số kim loại nặng. Khi thả bèo tây trong một thời gian, ta nên nhấc chúng lên và vặt bớt các rễ già để bỏ đi, tạo điều kiện cho rễ non mọc ra. Bèo tây là chỗ trú cho các động vật thủy sinh nuôi trong bể để làm thức ăn cho cà cuống. Đồng thời nó cũng là chỗ để các loài động vật ở cạn cùng được nuôi làm thức ăn cho cà cuống có chỗ leo lên. Chính bèo tây là đối tượng thích hợp nhất cho cả
2 nhiệm vụ trên.

Sau một thời gian nuôi, nếu thấy nguồn nước không còn sạch, ta cần thay nước cho bể nuôi.

Trước khi tháo nước, cần vơ và dọn sạch rễ bèo đọng ở dưới đáy bể; ngắt bỏ những lá bèo già hoặc đã chết. Nếu mật độ bèo quá dày thì cũng nên bỏ bớt và san đều ra. Cần chú ý, tránh để sót cà cuống bám trong rễ bèo hoặc len lỏi trong thân những cây bèo mà ta định bỏ đi. Phải kiểm tra kĩ lưới ngăn tại lỗ thoát nước, không để cà cuống thoát ra ngoài.

b) Bể đẻ

Bể đẻ là nơi ta đưa các cặp cà cuống đã trưởng thành vào đó để giao phối và đẻ.

Bể đẻ chỉ cần rộng 2 – 3m2. Ta cũng xây hệt như bể nuôi. Nhưng lưu ý, bèo tây cho vào bể phải là những cây bèo đã lớn, có gọng lá vươn cao. Ta biết rằng, giống như ốc bươu vàng, cà cuống cũng thích bò lên những chỗ cao hơn mặt nước để đẻ trứng. Trứng của nó sẽ dính vào quanh cọng bèo.

image

Bể nuôi cà cuống sinh sản

Bể đẻ cũng cần đậy nắp bằng lưới che có mắt nhỏ 2mm để tránh cà cuống tẩu thoát.

2. Khí hậu

Cà cuống có nguồn gốc vùng nhiệt đới. Nó phân bố ở Nam và Đông Nam Á. Vì vậy, nó ưa điều kiện nóng, ẩm. Tại Việt Nam, cà cuống có thể phát triển quanh năm ở phía Nam. Còn ở phía Bắc, cà cuống chỉ phát triển được vào mùa hè.

Do vòng đời của cà cuống ngắn, từ lúc nở cho đến lúc trưởng thành chỉ khoảng 60 ngày, cho nên ta có thể khôi phục đàn cà cuống nhanh chóng. Vì vậy, việc tổ chức nuôi cà cuống không có gì khó khăn ở cả phía Nam và phía Bắc.

3. Thức ăn của cà cuống

Cà cuống xếp vào loài ăn thịt. Miệng của chúng cấu trúc theo kiểu chích hút. Nhiều người cho rằng, cà cuống là loài hút máu. Nó bắt con mồi hút máu để sống. Nhưng thực ra, nó không chỉ hút máu mà còn hút cả chất dinh dưỡng có trong con mồi. Giống như con nhện, cà cuống chích chất tê vào con mồi, sau đó làm hòa tan chất hữu cơ có trong cơ thể con mồi và hút hết. Con mồi chỉ còn trơ lại cái xác. Vì vậy, thức ăn của cà cuống khá phong phú. Ngoài các loài động vật thủy sinh như tôm, cá, ếch, nhái, lươn,… nó còn bắt cả các loài động vật sống trên cạn để làm thức ăn như cào cào, châu chấu, dế,… Người ta đã thấy có “chú” vịt con bị chết nằm dọc đường. Khi nhấc xác nó lên mới biết, có một con cà cuống đã bám vào nách và hút hết máu của “chú” vịt xấu số ấy,…

Do đó, để tổ chức tốt cho việc nuôi cà cuống, chúng ta có thể chủ động chuẩn bị nguồn thức ăn cho nó gồm các loại cá cỡ nhỏ, dế,…

a) Các loài cá cỡ nhỏ

Có rất nhiều loài cá cỡ nhỏ có thể nuôi để làm thức ăn cho cà cuống như cá dầu, cá mại, cá mương, cá diếc,…

Ta thả chúng ngay vào bể nuôi cà cuống. Giống như trong tự nhiên, chúng cùng sống với nhau. Cà cuống sẽ săn lùng cá để làm thức ăn. Chúng vồ và kẹp chặt con cá, tiêm chất tê và tiết enzyme phân giải vào con mồi; sau đó nó hút hết chất bổ trong cơ thể con mồi. Nó chỉ nhả ra khi con mồi chỉ còn cái xác. Ta cần theo dõi hàng ngày lượng cá có trong bể. Nếu thấy ít thì ta cho thêm cá vào. Không nên cho quá nhiều cá mà chỉ nên cho một lượng vừa đủ để tránh làm ô nhiễm môi trường nước nuôi.

Ta có thể nuôi cá trong các bể hoặc các lu, vại, chum khác để cung cấp dần dần cho cà cuống. Cần thay, tháo nước thường xuyên và tăng cường ôxi cho các chỗ nuôi cá đó. Nếu thấy mật độ cá quá dày thì ta nên san bớt ra.

Khi thu cá, nên dùng vợt mềm để bắt. Chọn những con thích hợp để đưa vào bể nuôi lẫn với cà cuống. Những con còn lại ta lại thả vào bể nuôi cá.

b) Dế

Dế là nguồn thức ăn rất tốt cho cà cuống. Dế lại dễ nuôi, mau lớn và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Dùng dế làm thức ăn cho cà cuống là sáng kiến của anh Lê Thanh Tùng (Chủ trại dế Thanh Tùng nổi tiếng ở huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh).

Khi ta cho dế vào các bể nuôi cà cuống, chúng sẽ leo hết lên các cánh bèo. Dế sẽ tìm các ngóc ngách để trú. Tuy nhiên, cà cuống không tha cho chúng. Nó sẽ bò lên, tìm những “chú” dế béo múp và vồ lấy ngay. Mọi việc diễn ra như khi nó vồ những con cá.

Khi nuôi lớn, lượng dế làm thức ăn cho cà cuống cần nhiều nên ta phải tổ chức nuôi dế. Để nuôi dế, cần tiến hành các bước sau:

Chỗ nuôi:

Chỗ nuôi dế không cần rộng. Để nuôi dế phục vụ cho việc nuôi cà cuống thì ta không cần nhiều diện tích. Tùy vào quy mô nuôi cà cuống mà ta bố trí chỗ nuôi dế rộng hay hẹp. Thông thường chỉ cần vài mét vuông để đặt các thùng nuôi dế. Đó có thể là sân trước nhà, sân thượng, nhà kho, hành lang hoặc những khoảnh đất trống trong vườn. Không nên nuôi cạnh phòng ngủ của ta vì buổi tối, dế thường gáy để gọi nhau, rất ồn ào. Nếu để ở ngoài trời thì cần có mái che để tránh nước mưa hắt vào. Cũng phải đề phòng những kẻ thù của dế như chim chóc, thạch sùng, cóc, nhái,…

Thùng nuôi:

Thùng nuôi dế phổ biến là các thùng nhựa. Vì thành của nó trơn nhẵn nên dế không bò ra được. Ở trại dế Thanh Tùng, chủ trại đã dùng tới hàng ngàn thùng nhựa và chậu nhựa để nuôi dế. Nhưng gần đây, ở trại dế Thanh Xuân, người ta đã dùng cả hộp xốp và hộp các – tông để nuôi dế. Để ngăn dế không bò ra, người ta đã dán một lớp băng dính cỡ lớn (rộng 4cm trở lên) vào mép trên của hộp. Dế bò lên tới đó, gặp lớp băng dính trơn thì quay trở lại. Loại hộp này dễ kiếm mà lại rẻ tiền, ở đâu cũng có.

Ta có thể xếp các thùng nuôi dế lên 2 – 3 tầng nếu diện tích nuôi hẹp.

Thùng nuôi cần khô ráo, sạch sẽ, không có các mùi lạ. Ta nên dự phòng thêm một số thùng nuôi để đề phòng đàn dế tăng nhanh.

Khi dế mới nở, ta có thể nuôi chúng bằng chậu nhựa. Lúc chúng lớn lên, ta lại cho chúng vào thùng nuôi.

Nắp đậy:

Dế trưởng thành có cánh nên nó có thể bay đi được. Vì vậy, thùng nuôi dế trưởng thành cần có nắp đậy. Không nên dùng các nắp kín đặc vì sẽ gây ra tình trạng bí không khí. Ta có thể dùng lồng bàn, dùng nia để đậy cho các thùng nuôi đó.

Cũng không được chủ quan khi đã có nắp đậy. Lúc dế đã trưởng thành, nó dễ dàng bay vụt ra khỏi thùng nuôi, đặc biệt là vào ban đêm và lúc rạng sáng. Vì vậy, khi mở nắp ra, ta cần thận trọng để tránh trường hợp dế tẩu thoát.

Giá để dế đậu:

Dế rất thích leo trèo lên các vật ở phía trên nó. Ở trại dế Thanh Tùng, người ta dùng các cái rế (mà ở quê thường để bắc nồi cơm) làm giá thể cho nó đậu. Rế rất thích hợp vì nó hở tứ tung làm cho dế dễ dàng leo lên, leo xuống. Ta có thể xếp một hoặc xếp chồng chúng lên nhau như kiểu nhà tầng. Dế sẽ bu kín trên các rế đó, cả trong và ngoài.

Ở trại dế Thanh Xuân thì họ lại xếp các cành lá khô vào đó. Họ chọn những ngọn cây phân cành nhiều, đem phơi khôi rồi xếp vào thùng nuôi dế. Dế sẽ len lỏi và leo lên các cành đó. Cách làm này đơn giản, dễ kiếm mà không tốn tiền.

Việc xếp rế hay cành khô vào thùng nuôi sẽ giúp ta san đàn dế ra. Nếu để chúng đứng chen chúc với nhau trên một mặt phẳng dễ dẫn đến việc đánh lộn. Dế rất hung hăng (nên nhiều nơi còn có hội chọi dế). Khi gặp nhau là rất dễ đá nhau. Chúng đặc biệt hung dữ khi đã thành thục. Để giành giật con cái, các dế đực có khi đá nhau đến mất đầu. Chắc nhà văn Tô Hoài đã ngắm nghía kĩ cảnh này nên ông đã viết cho trẻ em cuốn truyện tuyệt vời “Dế mèn phiêu lưu kí”. Rất nhiều nước đã dịch truyện này sang tiếng nước họ.

Dế giống:

Hiện nay đã có rất nhiều nơi nuôi dế. Nếu bạn chưa có địa chỉ, xin liên hệ với các số điện thoại sau:

Ở phía Bắc: Chị Thanh Xuân, 0974.870.000

Ở phía Nam: Anh Thanh Tùng, 0908.243.007

Họ sẵn sàng cung cấp dế giống cho bạn.

Điều quan trọng là ta phải biết phân biệt được dế đực và dế cái. Ở dế đực, phần đầu thường lớn nhưng phần bụng lại thuôn, nhỏ. Cánh của nó màu đen hoặc màu đen pha nâu nhưng không bóng láng. Vào mùa sinh sản, cứ đến tối là chúng gáy váng trời để kêu gọi dế cái. Trong lúc đó, ở con cái, bụng thường lớn vì nó mang rất nhiều trứng. Cánh của nó đen nhánh và bóng láng. Điều dễ phân biệt nhất với dế đực là ở phần đít dế cái có một cái máng dài thò ra mà ta tưởng là cái đuôi. Đó là máng đẻ của nó. Khi đẻ, nó sẽ cắm cái máng đó xuống đất để tống trứng ra. Dế cái không gáy được như dế đực.

Ta cần chọn những con dế khỏe mạnh, lành lặn và đảm bảo tỉ lệ đực cái hợp lí. Nên chọn tỉ lệ 1 đực : 2 cái, hoặc 1 đực với 3 – 4 cái.

Dế đưa về nuôi, khi thấy chúng gáy là báo hiệu nó đã trưởng thành. Lúc này đã phải đưa máng đẻ vào. Máng đẻ là các khay hay các đĩa đựng cát ẩm. Sau những “hồi kèn xuất trận” hùng dũng của dế đực, dế cái ngoan ngoãn chấp nhận giao hoan. Chúng đẻ và đẻ liên tục lên các khay cát ẩm mà ta đưa vào. Mỗi ngày ta thay khay một lần vào buổi sáng. Ta đưa các khay cũ sang một thùng hoặc một chậu riêng. Phải luôn giữ ẩm cho khay cát. Khoảng 7 – 10 ngày sau thì trứng nở. Dế con sẽ lúc nhúc bò ra.

Một dế cái có thể đẻ được 600 – 700 trứng. Nó đẻ liên tục trong vòng 20 – 25 ngày, mỗi ngày đẻ một ít. Sau khi đẻ hết trứng, tức là hoàn thành sứ mệnh bảo tồn nòi giống, dế cái sẽ chết.

Nuôi dế con lên thành dế trưởng thành để làm thức ăn cho cà cuống mất khoảng 30 – 40 ngày.

Thức ăn cho dế:

Thức ăn cho dế là rau xanh và cám. Rau xanh có thể là cỏ non, lá non hoặc vỏ quả các loại như dưa gang, dưa hấu, dưa hồng,… Còn cám thì nên dùng cám công nghiệp cho gà con. Ta cho ăn từ từ, hết lại cho thêm. Không nên cho ăn thừa vì sẽ gây ô nhiễm cho thùng nuôi.

Dế cũng cần nước, nhưng lượng nước trong rau xanh và trong vỏ quả cũng đã đủ cho nhu cầu của nó. Vì vậy, các trại nuôi dế hiện nay người ta không cần đưa thêm khay đựng nước vào thùng nuôi.

San đàn:

Dế lớn rất nhanh. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn là chúng đã đầy thùng nuôi. Ta cần san đàn ra nhiều thùng để nuôi. Việc san đàn cần làm khéo léo, tránh làm chết dế.

Trong thùng nuôi có cả con to và con nhỏ. Ta cần lọc các con to ra để nuôi riêng. Không nên thò tay vào bắt từng con. Ta nên làm theo cách gạt bằng bìa: đặt thùng nuôi dế nghiêng góc 90o (tức là lật ngửa ra), dế sẽ dồn xuống mặt nghiêng, những con to thường nhao lên phía trước (phía miệng thùng); dùng một miếng bìa mỏng to bằng bàn tay gạt nhẹ nhàng những con to sang một thùng khác. Đây là cách làm rất đơn giản mà hiệu quả.

Vệ sinh và phòng chống địch hại:

+ Cần giữ cho chỗ nuôi dế sạch sẽ. Phải loại bỏ các phần thức ăn thừa. Định kì dọn sạch các loại phân, rác đọng ở phía dưới.

+ Không nên để mật độ dế quá dày. Ta cần chú ý san đàn thường xuyên.

+ Không để khói và các mùi lạ bay vào thùng dế. Tuyệt đối không xịt thuốc muỗi vào khu nuôi dế.

+ Dế là sản phẩm của chọn lọc tự nhiên và vòng đời của chúng ngắn nên hầu như không thấy chúng có bệnh tật gì. Chỉ nên lưu ý, tránh để mật độ dày, dễ dẫn đến đánh nhau.

+ Dế là mồi ngon của hàng loạt loài động vật khác như chim chóc, gà, vịt, rắn, mối, mèo, chuột, cóc, nhái,… Do đó khi nuôi, cần phải có biện pháp cách li dế với kẻ thù, đồng thời phải tìm cách tiêu diệt các loài địch hại.

Ngoài ra, kiến, gián là bọn tranh ăn với dế. Chúng luôn tìm cách chui vào thùng nuôi dế để tranh ăn. Ta cũng cần để mắt tới bọn này. Cần lèn gạch và rắc vôi xung quanh khu nuôi. Nếu thấy có đường kiến vào thùng nuôi dế thì phải diệt tận gốc.

Thu hoạch dế làm thức ăn cho cà cuống:

Ta dùng vợt mềm để bắt dế, cho vào bể nuôi cà cuống, chúng sẽ bò lên cây bèo. Những con nào rơi xuống nước sẽ tự bơi tới cây bèo để leo lên. Trong lúc chưa bị cà cuống bắt, chúng sẽ gặm lá bèo non để sống.

Không nên cho quá nhiều dế vào bể nuôi cà cuống một lúc. Phải cho từ từ, cà cuống dùng hết thì ta lại cho thêm.

4. Nguồn giống

Để có cà cuống nuôi chúng ta có thể tổ chức bắt cà cuống bố mẹ trong tự nhiên, hoặc mua tại các cơ sở đã nuôi cà cuống.

Việc bắt cà cuống trong tự nhiên hiện nay rất khó vì số lượng cà cuống còn lại trên đồng ruộng là rất ít. Tuy nhiên, cũng có những vùng do ít bị ô nhiễm nên vẫn còn cà cuống. Đặc biệt là ở các vùng trung du và miền núi vẫn có những địa điểm còn thấy cà cuống bay lượn. Ta có thể dùng vợt côn trùng để bắt cà cuống. Vợt cũng có thể tự làm bằng vải màn. Không nên vồ bằng tay, vì làm như vậy dễ gây ra tổn thương cho cà cuống. Ta dùng vỏ các chai nhựa đựng nước đã rửa sạch, có đục nhiều lỗ cho thoáng để nhốt cà cuống khi bắt được.

Tốt hơn hết bà con nên tới các trại nuôi cà cuống để mua giống. Ở đó, chúng ta có thể tham quan cách nuôi, trao đổi kinh nghiệm với chủ trại và mua được giống tốt.

Hiện nay trại dế Thanh Tùng có lẽ là đơn vị đầu tiên đã tổ chức được việc nuôi cà cuống với quy mô lớn nhất. Họ sẵn sàng cung cấp giống cà cuống và cả giống dế (dùng để làm thức ăn cho cà cuống) cho bà con. Chúng ta có thể gọi điện trực tiếp cho chủ trại Lê Thanh Tùng theo số: 0908.243.007, hoặc đến thăm trực tiếp trại dế Thanh Tùng ở ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

Khi lấy giống, bà con cần lựa chọn những con khỏe mạnh, lành lặn, không bị mất chân, không có dị tật, đi lại nhanh nhẹn.

Dụng cụ đựng giống mua nên là các rọ bằng tre, nứa, hoặc vỏ các chai nhựa đã được rửa sạch và có đục nhiều lỗ để thông hơi. Trong đó, ta nên cho thêm vào bèo tây, hoặc một vài cành lá nhỏ để cà cuống bám và ít va chạm với nhau. Không nên để chai lọ bị Mặt Trời đốt nóng làm ảnh hưởng đến con giống.

Nếu để nuôi thương phẩm, ta chỉ cần mua các con cà cuống mới lớn. Mật độ thả nên là 80 – 100 con/m2. Thế còn, nếu mua giống về để cho sinh sản ngay thì ta phải chọn những con cà cuống lớn, đã trưởng thành. Chọn cả đực, cả cái. Mật độ nên là 20 – 25 con/m2.

Ngay sau khi thả giống, ta phải chú ý quan sát hoạt động của cà cuống, đặc biệt là hoạt động bắt mồi. Nếu bình thường, cà cuống sẽ bơi trong nước, rình và vồ những con cá con để làm thức ăn. Nó cũng có thể bò lên cây bèo để tìm bắt những “chú” dế đang lẩn quất ở trên đó. Thế còn, nếu ta thấy nó không hoạt động, nằm lẩn trong rễ bèo, hoặc bò lên thân bèo và nằm bẹp một chỗ thì phải kiểm tra kĩ xem nó có bị thương tật gì không để xử lí. Cũng cần theo dõi lượng thức ăn của cà cuống. Nếu thấy ít thì phải kịp thời bổ sung ngay. Tránh để cà cuống thiếu thức ăn. Vì khi đói, cà cuống có thể ăn lẫn nhau.

5. Cho ăn

Như đã trình bày ở trên, thức ăn của cà cuống khá phong phú gồm các loại động vật thủy sinh và một số động vật trên cạn. Chúng tôi khuyến cáo, bà con nên dùng các loại cá con và dế để làm thức ăn cho cà cuống.

Cà cuống không ăn mồi chết. Nó cũng không bắt mồi khi có người và động vật lảng vảng cạnh nó. Vì vậy, nên tạo điều kiện yên tĩnh trong khu bể nuôi cà cuống.

Tùy vào kích cỡ của cà cuống mà ta cho chúng ăn các con mồi phù hợp. Cà cuống nhỏ thì cho chúng ăn các con mồi nhỏ, cà cuống lớn thì con mồi cũng là loại lớn hơn.

Phải thường xuyên theo dõi các con mồi làm thức ăn cho cà cuống. Nếu thấy con mồi bị chết thì phải vớt bỏ đi ngay và tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng đó.

Phải luôn luôn xác định lượng con mồi trong bể nuôi. Nếu thiếu, phải bổ sung ngay. Cũng không nên cho vào quá nhiều con mồi.

Cả các loại cá và dế dùng làm thức ăn cho cà cuống phải được tổ chức nuôi trong các khu riêng. Ta chỉ thu hoạch khi dự định đưa chúng vào trong bể nuôi cà cuống.

Vì cà cuống chỉ chích hút nên xác con mồi sẽ còn lại trong bể nuôi. Cần phải dọn sạch chúng đi để tránh làm ô nhiễm cho nguồn nước.

6. Chăm sóc

a) Nguồn nước

Môi trường sống của cà cuống là nước, vì vậy, bể nuôi cà cuống đòi hỏi nước phải luôn luôn sạch. Cà cuống rất nhạy cảm với nguồn nước. Nó không sống được ở những nơi nước bẩn. Do đó, ta nên chú ý quan sát thường xuyên, nếu thấy nước bể nuôi bị bẩn thì phải thay, tháo ngay và cho nguồn nước sạch vào.

Việc thay, tháo nước có thể qua van tháo đặt ở đáy bể, ngang với mặt đất hoặc là bơm ra. Cả hai trường hợp đều phải lưu ý tránh để cà cuống thoát ra ngoài theo nguồn nước. Ta phải có lưới ngăn ở lỗ thoát hoặc ở đầu vòi hút của bơm nước. Hết sức chú ý việc này vì nó rất dễ gây ra thất thoát cà cuống.

Phải kiểm tra cẩn thận nguồn nước đưa vào. Tốt nhất là lấy nước ao, nước mương sạch – nơi mà các loài thủy sản khác vẫn sinh sống bình thường. Tránh lấy nước giếng hoặc nước máy. Nếu không có nguồn nước nào khác ngoài nước giếng, hoặc nước máy thì phải có bể chứa. Ta bơm nước vào bể chứa. Trong bể chứa có nuôi cá. Nếu qua ngày mà cá vẫn sống bình thường thì nước đó có thể cho vào bể nuôi cà cuống. Việc này cần làm nghiêm túc và thường xuyên. Đặc biệt với nước máy, do hàm lượng khí clo có khi tăng mạnh, dễ gây chết cho cà cuống, nhất là cà cuống nhỏ. Do đó, không chủ quan trong việc kiểm tra nguồn nước trước khi cho vào bể nuôi cà cuống.

Trong bể nuôi ta thường thả bèo tây. Bèo tây sinh sôi rất mạnh, bộ rễ phát triển nhiều và khi già sẽ rụng xuống đáy bể gây ô nhiễm. Vì vậy, định kì phải cắt bớt các rễ già và bỏ đi. Trước khi cắt, phải động mạnh vào bộ rễ để xua cà cuống con còn trú ngụ trong đó. Thậm chí, sau khi cắt, ta phải nhấc lên, nhấc xuống vài lần trong nước để đuổi hết cà cuống ra. Việc này cũng nên làm thận trọng.

b) Địch hại

Vì bể nuôi cà cuống được che phủ kín bằng tấm lưới mắt nhỏ nên chuột, gà, chim chóc,… không tiếp xúc được cà cuống để làm hại.

Tuy nhiên, chính nguồn cá đưa vào làm thức ăn đôi khi lại thành kẻ thù của cà cuống. Do đó, ta không đưa cá lớn vào bể nuôi cà cuống. Đặc biệt ở bể ương ấu trùng, do chênh lệch về kích thước nên ngay các con cá con cũng có thể nuốt chửng các ấu trùng cà cuống. Vì vậy, ta phải lựa chọn, tránh đưa cá lớn vào bể nuôi cà cuống.

c) Theo dõi

Đã tổ chức nuôi thì nên có sổ theo dõi hàng ngày. Mỗi ngày ta quan sát bể nuôi ít nhất một lần. Nếu có vấn đề gì bất thường thì phải xử lí ngay và phải ghi chép lại. Nếu không có gì thì ta bỏ qua, coi như ngày đó bình yên. Việc ghi chép rất cần và rất khoa học. Ta không nên bỏ qua công việc này.

Khi theo dõi, cần quan sát kĩ tất cả các hạng mục như nguồn nước, cây thủy sinh, nguồn thức ăn, chế độ hoạt động của cà cuống,… và cả hệ thống lỗ thoát, lưới che,… Tránh chủ quan khi theo dõi các hạng mục. Có vấn đề gì đáng khả nghi là phải ghi lại ngay để các ngày sau tiếp tục theo dõi.

Điều quan trọng khi quan sát là xác định xem lượng thức ăn của cà cuống còn đủ hay không? Nếu thiếu thì phải bổ sung ngay.

Một số khâu rất quan trọng phải được ghi chép cụ thể, đó là việc nở, ương và phân đàn cà cuống nhỏ. Cần ghi chép cụ thể ngày, giờ cà cuống nở, số lượng ấu trùng hay cà cuống được vớt sang bể khác, hoặc để bán. Ngay cả khi cà cuống giao phối và đưa nhau lên đẻ cũng phải ghi chép đầy đủ (bao nhiêu con đẻ, đẻ bao nhiêu ổ trứng, đẻ ở vị trí nào,…). Việc ghi chép là rất cần thiết. Ta nên thực hiện nghiêm túc.

d) Phân đàn

Việc phân đàn cho cà cuống rất quan trọng. Ngay sau khi trứng nở ra ấu trùng khoảng 2 – 3 giờ là ta đã nên tách chúng ra. Lúc đó, ấu trùng chỉ khoảng 1 – 2mm, nhỏ như móng tay. Ta dùng vợt mềm để vớt chúng, có thể cho chúng vào bát hoặc chậu nhỏ để tiện theo dõi số lượng.

Ấu trùng được nuôi riêng trong các bể nhỏ. Tuy nhiên, bể đó cũng vẫn phải có lưới che để đề phòng địch hại và khi cà cuống đã đủ cánh, nó có thể bay được.

Ở bể ương này, ta phải cho chúng nguồn thức ăn tương xứng. Đó có thể là cá con, nòng nọc của ếch, nhái,…

Cà cuống chỉ cần nuôi 2 tháng là đã trưởng thành. Ta có thể đưa bọn này sang chỗ nuôi riêng để ghép đôi và đẻ trứng. Việc phân biệt đực, cái rất khó. Nói chung, con cái thường có bụng to vì mang nhiều trứng; còn con đực thì thường có bụng thon và nhọn hơn. Nếu không phân biệt được thì ta bắt nhiều con và thả vào một bể. Chúng sẽ tự tìm đến với nhau. Mặt khác, cà cuống đực, trong một thời gian ngắn, có thể giao phối với nhiều con cái. Do đó, khu sinh sản nên thả cùng một lúc nhiều cá thể cà cuống.

7. Thu hoạch

Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà ta có thể thu nhiều hoặc 1 – 2 cá thể cà cuống. Những người nuôi quen thì có thể bắt chúng bằng tay. Nó thường bám ở khu vực gốc cây bèo hoặc len lỏi trong bộ rễ bèo. Tốt hơn, ta nên dùng vợt mềm để bắt cà cuống. Bằng cách này, ta không gây sây sát cho chúng.

Ta nhốt cà cuống vào các rọ đựng cua hoặc vào các thùng, các vỏ chai nhựa sạch có đục nhiều lỗ để đảm bảo thông thoáng. Nếu đưa đi xa thì phải cho vào các dụng cụ đựng đó một ít bèo tây, vừa để nó có chỗ bám, vừa giữ được độ ẩm.

Đa phần, người ta mua cà cuống là để lấy túi thơm của nó. Ở cà cuống, cả con đực và con cái đều có tinh dầu. Nhưng chủ yếu là ở con đực; còn ở con cái chỉ có rất ít.

Túi thơm nằm ở khoang bụng, có màu xanh nhạt, to bằng đầu đũa (dài 3cm, rộng 0,5cm). Sau khi lấy được túi thơm, người ta thường cho vào lọ để trữ. Còn con cà cuống thì được đông lạnh và bảo quản trong tủ lạnh.

Hiện nay, cà cuống rất hiếm. Các nhà hàng đặc sản phải đặt mua cả ở Lào và Campuchia. Cũng chính vì hiếm nên các nhà hóa học đã tìm cách tổng hợp nên tinh dầu cà cuống. Tuy nhiên, tinh dầu tổng hợp rất dễ bị phân giải và cho ra một loại mùi khó chịu, thậm chí, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Do đó, cà cuống thật vẫn là mặt hàng quý hiếm.

Trên thị trường Việt Nam, giá một con cà cuống dao động từ 35.000 – 50.000 đồng. Khoảng 100 con thì được 1kg.

Dịch


by Phần mềm dịch thuật - plugin dịch cho wordpress

Giấy phép

NGHỀ NUÔI CÀ CUỐNG Bản quyền © 2021 bởi Hevobooks. Đã đăng ký Bản quyền.

Chia sẻ cuốn sách này